Ông Danh Hoàng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho biết : “ Có thể nói, thông qua phong trào đã nâng cao ý thức của người dân trong việc xây dựng nếp sống văn minh, sinh hoạt hàng ngày, như việc gìn giữ nhà cửa gọn gàng, vệ sinh nơi công cộng, không để tình ô nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Những gia đình có điều kiện thì làm hàng rào, trồng thêm cây xanh, hoa kiểng, tạo cảnh quan môi trường thôn xóm ngày thêm sạch đẹp. Điểm nhấn của phong trào này là người dân đã tự xây cho mình một nền nếp, lối sống có văn hóa giữa người với người, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, tình làng nghĩa xóm được vụn đắp, người dân đều sống theo phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cũng được đẩy mạnh, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa một Trung tâm văn hóa thể thao huyện, xây dựng mới 07 Nhà văn hóa xã, 39 Nhà sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân, với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng; quan tâm đầu tư mua trang thiết bị âm thanh cho nhà sinh hoạt cộng đồng ấp. Các thiết chế văn hóa được xây dựng mới đã và đang phát huy tác dụng và hiệu quả của cơ sở vật chất vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Anh Kim Dũng, cán bộ phụ trách Văn hóa xã Long Phú cho biết : “ Nhà văn hóa xã có hội trường, phòng đọc sách, phòng máy vi tính, trạm truyền thanh, sân thể dục – thể thao … đều được phát huy hết công năng. Nhà sinh hoạt cộng đồng ấp được bố trí là nơi sinh hoạt của Ban Nhân dân ấp, tổ chức sinh hoạt đảng viên nơi cư trú, sinh hoạt các câu lạc bộ, ca – múa, Khmer, đờn ca tài tử, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, tổ chức hòa giải, tuyên truyền pháp luật, họp bình xét danh hiệu gia đình văn hóa …”
Phát huy những kết quả trên, huyện đã đề ra những giải pháp xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, tập trung vào một số giải pháp cụ thể như : Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đẩy mạnh xã hóa nhằm huy động các nguồn lực, đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người, tăng cường các nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa cho Nhân dân, duy trì hoạt động hiệu quả của các câu lạc bộ văn hóa, thể dục – thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia.